Caroty.com trân trọng gửi đến bạn bài viết: Thịt Cừu: Thành Phần Dinh Dưỡng Và Những Lợi Ích Đối Với Sức Khỏe
Thịt cừu có tên khoa học Ovis aries, là thịt được lấy từ cừu nuôi chăn thả, còn gọi là cừu nhà.
Đây là một loại thịt đỏ, thuật ngữ này được dùng để chỉ thịt của động vật có vú, giàu sắt hơn thịt gà và cá.
Thịt của những con cừu non ở năm đầu tiên, được gọi là thịt cừu non, còn thịt của những con cừu trưởng thành gọi là thịt cừu già.
Thịt cừu thường được ăn chưa qua chế biến, nhưng ở một số nơi trên thế giới, thịt cừu muối (xông khói và ướp muối) cũng rất phổ biến. Với hàm lượng protein chất lượng cao và nhiều vitamin, khoáng chất, thịt cừu là lựa chọn lí tưởng để bổ sung vào một chế độ ăn lành mạnh.
Thành phần dinh dưỡng của thịt cừu
Thịt cừu chủ yếu bao gồm protein, ngoài ra còn chứa hàm lượng chất béo đa dạng.
Dưới đây là bảng thông tin chi tiết về các thành phần dinh dưỡng có trong thịt cừu (1).
Protein
Giống như các loại thịt khác, thành phần chính trong thịt cừu là protein.
Hàm lượng protein của thịt cừu nạc, đã nấu chín thường là 25-26% (1).
Thịt cừu là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, chứa tất cả các loại axit amin cần thiết để duy trì sự phát triển của cơ thể.
Vì lý do này, ăn thịt cừu cũng như các loại thịt khác đặc biệt có ích cho những người tập thể hình, những vận động viên hồi sức và bệnh nhân sau khi phẫu thuật.
Ăn thịt giúp bổ sung một nguồn dinh dưỡng tối ưu để hình thành và phục hồi các mô cơ.
Điểm mấu chốt: Protein chất lượng cao là thành phần dinh dưỡng chính có trong thịt cừu.
Chất béo
Tùy thuộc vào mức độ chăm sóc, chế độ ăn uống, tuổi tác, giới tính và thức ăn mà hàm lượng chất béo trong thịt cừu có thể dao động từ 17-21% (1); bao gồm chất béo bão hòa và chất béo không bão hoà đơn với hàm lượng tương đương nhau.
Chất béo trong thịt cừu (còn gọi là mỡ động vật) thường chứa nhiều chất béo bão hòa hơn so với thịt bò và thịt lợn (2).
Tiêu thụ chất béo bão hòa từ lâu đã được coi là một yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tim, nhưng nhiều nghiên cứu mới đây đã không nhận thấy mối liên hệ này (3, 4, 5, 6, 7).
Chất béo chuyển hóa nhai lại
Mỡ cừu chứa một nhóm chất béo chuyển hóa, còn được gọi là chất béo chuyển hóa nhai lại.
Không giống như chất béo chuyển hóa có trong những thực phẩm chế biến sẵn, chất béo chuyển hóa nhai lại được cho là có lợi cho sức khỏe hơn.
Chất béo chuyển hóa nhai lại phổ biến nhất là axit linoleic liên hợp (CLA) (8).
So với thịt từ các loại động vật nhai lại khác, như thịt bò và thịt bê, thì thịt cừu có chứa lượng axit linoleic liên hợp cao nhất (9).
Axit linoleic liên hợp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp giảm khối lượng mỡ của cơ thể, nhưng nếu bổ sung quá nhiều có thể gây ra một số tác hại cho quá trình trao đổi chất (10, 11, 12).
Điểm mấu chốt: Hàm lượng chất béo trong thịt cừu rất đa dạng; hầu hết là chất béo bão hòa, ngoài ra cũng có một lượng nhỏ axit linoleic liên hợp (CLA), mang lại một số lợi ích cho sức khỏe.
Các vitamin và khoáng chất
Thịt cừu là một nguồn thực phẩm giàu các vitamin và khoáng chất.
Điển hình là:
- Vitamin B12: Chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và không có trong chế độ ăn chay, rất quan trọng đối với sự hình thành các tế bào máu và chức năng của não. Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu và tổn thương thần kinh.
- Selen: Thịt thường là một nguồn thực phẩm giàu selen, mặc dù còn phải phụ thuộc vào nguồn thức ăn của động vật. Selen đóng vai trò thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể (13).
- Kẽm: Chiếm hàm lượng cao trong thịt cừu, kẽm từ thịt thường được hấp thụ tốt hơn so với kẽm từ thực vật. Đây là một khoáng chất thiết yếu, rất quan trọng cho sự tăng trưởng và hình thành các hooc môn, như insulin và testosterone.
- Niacin: Còn được gọi là vitamin B3, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Thiếu niacin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim (14).
- Phốt pho: Có trong hầu hết các loại thực phẩm, cần thiết để duy trì sự phát triển của cơ thể.
- Sắt: Thịt cừu là một nguồn sắt dồi dào, chủ yếu ở dạng sắt heme, có tính khả dụng sinh học cao và được hấp thụ hiệu quả hơn so với dạng sắt không phải heme có trong thực vật (15).
Hơn nữa, thịt cừu còn chứa hàm lượng nhỏ các loại vitamin và khoáng chất khác.
Muối natri có rất nhiều trong một số sản phẩm thịt cừu chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt cừu ướp muối.
Điểm mấu chốt: Thịt cừu giàu vitamin và khoáng chất, gồm có vitamin B12, sắt và kẽm.
Các hợp chất khác
Ngoài các vitamin và khoáng chất, thịt còn chứa nhiều dưỡng chất có hoạt tính sinh học và các chất chống oxy hoá có lợi cho sức khoẻ.
- Creatine: Chiếm hàm lượng cao trong thịt, đóng vai trò như một nguồn năng lượng thiết yếu cho cơ bắp. Do đó, nó hay được những người tập thể hình lựa chọn bổ sung để duy trì và phát triển cơ bắp (16, 17).
- Taurine: Là một axit amin với đặc tính chống oxy hoá, có trong cá và thịt. Nó được hình thành trong chính cơ thể của chúng ta, có lợi cho tim và cơ bắp (18, 19, 20).
- Glutathione: Là một chất chống oxy hoá, chiếm hàm lượng cao trong thịt, đặc biệt là trong thịt bò ăn cỏ (21, 22).
- Axit linoleic liên hợp (CLA): Là một nhóm chất béo chuyển hóa nhai lại, rất có lợi cho sức khỏe nếu tiêu thụ một lượng vừa phải từ các loại thực phẩm như thịt cừu, thịt bò và các sản phẩm từ sữa (23, 24).
- Cholesterol: Là một sterol được tìm thấy trong hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Cholesterol có trong khẩu phần ăn không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ cholesterol trong máu. Do đó, nó không phải là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại (25).
Điểm mấu chốt: Thịt cừu có chứa một số hoạt chất sinh học như creatine, CLA, và cholesterol.
Lợi ích của thịt cừu đối với sức khỏe
Với hàm lượng vitamin, khoáng chất, và protein chất lượng cao dồi dào, có thể nói thịt cừu là một phần không thể thiếu của chế độ ăn uống lành mạnh.
Thịt cừu duy trì khối lượng cơ bắp
Thịt là một trong những nguồn cung cấp protein chất lượng cao tuyệt vời nhất, bởi nó chứa tất cả các axit amin cần thiết cho cơ thể. Nó còn được xem là một nguồn protein “hoàn chỉnh”.
Protein chất lượng cao rất quan trọng để duy trì khối lượng cơ bắp, đặc biệt là với người cao tuổi. Thiếu protein có thể đẩy nhanh và làm trầm trọng thêm tình trạng hao tổn cơ bắp theo tuổi tác, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcopenia, một loại bệnh xấu liên quan đến suy giảm khối lượng cơ bắp (26).
Để duy trì ổn định khối lượng cơ bắp , bạn nên áp dụng lối sống lành mạnh kết hợp với tập thể dục đều đặn và thường xuyên tiêu thụ thịt cừu hoặc các loại thực phẩm giàu protein khác.
Điểm mấu chốt: Thịt cừu giàu protein chất lượng cao, thúc đẩy duy trì và phát triển khối lượng cơ bắp.
Thịt cừu cải thiện hoạt động thể chất
Không chỉ giúp duy trì khối lượng cơ bắp, thịt cừu còn rất quan trọng đối với việc thực hiện chức năng cơ bắp.
Nó có chứa một axit amin tên là beta-alanine, được cơ thể sử dụng để sản xuất carnosin – một chất cần thiết cho chức năng cơ bắp (27, 28). Beta-alanine có nhiều trong các loại thịt như thịt cừu, thịt bò và thịt lợn. Hàm lượng carnosine trong cơ bắp cao sẽ giúp giảm mệt mỏi và cải thiện chất lượng luyện tập thể dục (29, 30, 31, 32). Tuân thủ các chế độ ăn kiêng chứa ít beta-alanine như chế độ ăn chay và thuần chay, có thể làm giảm hàm lượng carnosine trong cơ bắp theo thời gian (33).
Mặt khác, bổ sung beta-alanine liều cao trong thời gian 4-10 tuần được chứng minh là làm tăng 40-80% lượng carnosin trong cơ bắp (27, 29, 34, 35).
Do đó, thường xuyên tiêu thụ thịt cừu, hoặc các thực phẩm giàu beta-alanine, rất có lợi cho các vận động viên và những người muốn nâng cao hiệu quả hoạt động thể chất.
Điểm mấu chốt: Thịt cừu có thể hỗ trợ cải thiện chức năng cơ bắp, thể lực và hoạt động luyện tập thể dục.
Thịt cừu ngăn ngừa thiếu máu
Thiếu máu là một bệnh phổ biến, đặc trưng bởi số lượng tế bào hồng cầu ít và sự suy giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, kèm theo các triệu chứng chính là mệt mỏi và yếu người.
Thiếu sắt là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu, nhưng có thể dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng cách áp dụng chế độ ăn uống thích hợp.
Thịt là một trong những nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất. Không chỉ chứa sắt dạng heme – một dạng sắt có tính khả dụng sinh học cao, mà nó còn thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt không phải dạng heme – một dạng sắt có trong thực vật (15, 36, 37).
Tác dụng của thịt vẫn chưa hoàn toàn được khai thác hết, nên được gọi là “nhân tố thịt” (38).
Sắt heme chỉ có trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Vì thế, nó thường chiếm hàm lượng rất thấp trong chế độ ăn chay, và không có trong chế độ ăn thuần chay.
Đây cũng là lý do một phần giải thích tại sao những người ăn chay có nguy cơ thiếu máu cao hơn so với những người ăn thịt (39).
Tóm lại, ăn thịt là một trong những chiến lược dinh dưỡng hoàn hảo để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Điểm mấu chốt: Thịt cừu là nguồn thực phẩm giàu sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
Thịt cừu và bệnh tim
Bệnh tim (bệnh tim mạch) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm. Đây là một nhóm bệnh nguy hiểm liên quan đến tim và các mạch máu, bao gồm các cơn đau tim, đột quỵ và cao huyết áp.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã nhận thấy ăn thịt đỏ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim. Một số nghiên cứu còn chỉ rõ nguy cơ này gia tăng khi ăn nhiều thịt, kể cả thịt đã qua chế biến hay chưa qua chế biến (40), trong khi đó, theo một số nghiên cứu khác, nguy cơ này chỉ gia tăng khi ăn thịt đã qua chế biến (41, 42), thậm chí có nghiên cứu lại không nhận thấy ảnh hưởng gì (43).
Các nghiên cứu quan sát mới chỉ dừng lại ở việc tìm ra mối liên hệ, chứ chưa có bằng chứng cụ thể cũng như chưa trực tiếp chứng minh được quan hệ nhân quả.
Một số lý thuyết đã được đề xuất để giải thích mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều thịt và nguy cơ mắc bệnh tim.
Rõ ràng, ăn nhiều thịt đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiêu thụ các loại thức ăn khác ít hơn, chẳng hạn như cá (tốt cho tim), trái cây và rau củ. Nó cũng dẫn đến một lối sống không lành mạnh; thiếu hoạt động thể chất, hút thuốc và ăn quá nhiều (44, 45, 46). Hầu hết các nghiên cứu quan sát đều cố điều chỉnh những nhân tố này.
Đáng nói đến là giả thuyết dinh dưỡng – trái tim. Nhiều người cho rằng ăn thịt có thể gây ra bệnh tim vì nó chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao, làm suy yếu cấu trúc lipid trong máu.
Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng cholesterol có trong khẩu phần ăn không phải là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim (25).
Ngoài ra, vai trò của các chất béo bão hòa đối với sự phát triển của bệnh tim cũng chưa hoàn toàn rõ ràng. Nhiều nghiên cứu không nhận thấy việc tiêu thụ chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim (5, 6, 7).
Về bản chất, thịt không ảnh hưởng xấu đến cấu trúc lipid trong máu. Thịt cừu nạc đã được chứng minh là có tác dụng tương tự cá hoặc thịt trắng, ví dụ như thịt gà (47).
Suy cho cùng thì tiêu thụ một lượng thịt cừu nạc vừa phải sẽ không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Điểm mấu chốt: Ăn thịt cừu có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hay không vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Ăn thịt cừu nạc được nấu chín qua có lẽ là giải pháp an toàn và lành mạnh nhất.
Thịt cừu và ung thư
Ung thư là một loại bệnh đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào. Nó cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trên thế giới.
Một số nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng ăn nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột già theo thời gian (48, 49, 50). Tuy nhiên, không phải nghiên cứu nào cũng đưa ra kết luận này (51, 52).
Các nghiên cứu quan sát không thể thực sự chứng minh được rằng tiêu thụ thịt sẽ gây ung thư, nhưng lại nhận thấy mối quan hệ nhân quả tiềm tàng.
Một số chất được tìm thấy trong thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở người, trong đó có các amin dị vòng (53).
Amin dị vòng là một nhóm chất gây ung thư được hình thành khi thịt tiếp xúc với nhiệt độ rất cao, như trong quá trình chiên, quay hoặc nướng (54, 55), đặc biệt chiếm hàm lượng cao trong thịt chín nhừ hoặc thịt được nấu quá kĩ.
Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng ăn thịt chín quá kĩ hoặc tiêu thụ các nguồn amin dị vòng khác, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác nhau, bao gồm ung thư ruột già, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt (56, 57, 58, 59, 60). Mặc dù chưa chứng minh được ăn thịt có thể gây ra ung thư, nhưng tốt nhất là nên tránh ăn nhiều thịt chín kĩ.
Thay vào đó, chỉ nên tiêu thụ một lượng thịt chín vừa phải, có thể là hấp hoặc luộc, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Điểm mấu chốt: Ăn thịt đỏ làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Nguyên nhân có thể là do các chất gây ô nhiễm có trong thịt, đặc biệt là những chất được hình thành khi thịt được nấu quá chín.
Tổng kết
Thịt cừu là một loại thịt đỏ lấy từ những con cừu non.
Nó không chỉ là một nguồn dồi dào protein chất lượng cao mà còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm sắt, kẽm và vitamin B12.
Vì thế, thường xuyên tiêu thụ thịt cừu giúp duy trì, phát triển cơ bắp và thực hiện tốt chức năng cơ bắp. Ngoài ra, nó còn giúp ngăn ngừa thiếu máu.
Về mặt tiêu cực, một số nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng ăn thịt cừu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư và bệnh tim. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết luận chưa chắc chắn, được tổng hợp từ nhiều nghiên cứu, thậm chí nhiều nghiên cứu khác còn không nhận thấy mối liên hệ nào.
Do sự hình thành của các chất gây ô nhiễm, nên việc tiêu thụ nhiều thịt đã qua chế biến hoặc thịt được chế biến quá kĩ cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Tóm lại, để vừa cải thiện sức khỏe lại vừa đảm bảo an toàn, chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa phải thịt cừu đã được nấu chín ở nhiệt độ thích hợp.
Caroty tổng hợp từ Webmd, Pubmed, Healthscript, Authoritynutrition…
Hãy cho chúng tôi biết suy nghĩ của bạn về bài viết này thông qua việc để lại comment ở dưới đây. Nếu bạn thấy bài viết hữu ích hãy like và share ngay nhé.
- Bạn có thể xem thêm bài viết về:
- Các loại quả: Quả táo, Quả cam, Quả chuối, Quả lê, Quả dâu tây, Quả óc chó, Quả dưa hấu, Quả dứa, Quả chanh vàng, Dâu tây, Quả kiwi, Cà rốt, Cà chua, Quả dâu tằm, Quả ớt, Quả ớt chuông, Quả nam việt quất, Quả việt quất, Quả vải ....
- Các loại hạt: Đậu nành, Hạt hạnh nhân, Yến mạch, gạo, lúa mì, ngô, kiều mạch, diêm mạch, hạt lanh, hạt lạc (đậu phộng)...
- Các loại thịt:Thịt bò, Thịt lợn, Thịt cừu.
- Các thực phẩm khác:Rau cải bó xôi, khoai lang, Khoai tây, củ sắn, Cam thảo, củ hành, Bông cải xanh, quế, dưa cải muối, rượu vang...
Danh mục tài liệu tham khảo từ các công trình nghiên cứu, bằng chứng khoa học: